LỚP TẬP HUẤN KỸ NĂNG VIẾT BÀI VÀ CÔNG BỐ BÀI BÁO KHOA HỌC QUỐC TẾ KHÉP LẠI VỚI NHIỀU GIÁ TRỊ
Lớp tập huấn kỹ năng viết bài và công bố bài báo khoa học quốc tế khép lại với nhiều giá trị
Tiếp nối chuỗi hoạt động bổ ích của “Lớp tập huấn kỹ năng viết bài và công bố bài báo khoa học quốc tế”, trong ngày 16/8, các cán bộ, giảng viên UEF đã được mở rộng kiến thức, phát triển kỹ năng nghiên cứu khoa học của mình (NCKH) thông qua 2 nội dung chính: Cách viết, xuất bản bài báo khoa học và phương pháp ứng dụng công cụ AI hiệu quả.
Tham gia chia sẻ kiến thức trong buổi thứ 2 là TS. Ngô Minh Hải – Trưởng Khoa Kinh tế UEF, PGS.TS. Phạm Văn Việt - Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ HUTECH. Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và công bố bài viết khoa học quốc tế, các diễn giả đã mang đến cho thầy cô bức tranh sinh động về định hướng phát triển cho lĩnh vực NCKH trong thời đại chuyển đổi số.
Cách viết, xuất bản bài báo khoa học và phương pháp ứng dụng công cụ AI hiệu quả là nội dung của buổi tập huấn thứ 2
Tham dự buổi tập huấn có PGS.TS. Ngô Cao Cường - Phó Hiệu trưởng thường trực, TS. Hồ Viễn Phương - Phó Hiệu trưởng, ThS. Nguyễn Phạm Hải Hà – Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Sau đại học và Khoa học công nghệ. Hoạt động cũng tiếp tục nhận được sự tham gia của đông đảo cán bộ, giảng viên và nghiên cứu sinh tại UEF.
Mở đầu buổi tập huấn, PGS.TS. Phạm Văn Việt có phần chia sẻ về tầm quan trọng của NCKH trong việc đóng góp vào kho tàng tri thức của nhân loại và phát triển chuyên môn của mỗi cá nhân. Đặc biệt ngày nay, nhiều trường đại học tại Việt Nam quy định để có thể giảng dạy ở những lớp chất lượng cao, giảng viên phải sở hữu những bài báo quốc tế.
“Làm thế nào để lựa chọn tạp chí khoa học phù hợp để gửi gắm đứa con tinh thần của mình?” là câu hỏi được nhiều tác giả quan tâm sau khi đã hoàn thiện đề tài. Trên thực tế, đây là một bước rất quan trọng và nhiều thử thách đối với các nghiên cứu sinh bởi quá trình tiếp nhận, thẩm định, chỉnh sửa, đăng tải chính thức tốn khá nhiều thời gian, trung bình phải tính bằng tháng.
Giải quyết vấn đề này, thầy Phạm Văn Việt đã tập trung đưa ra nhiều phương pháp và lưu ý để chuẩn bị một bản thảo hoàn chỉnh cũng như lựa chọn tạp chí cho đề tài nghiên cứu. Lựa chọn tạp chí phù hợp sẽ giúp nghiên cứu sinh thuận lợi hoàn thiện đề tài, đồng thời lan tỏa sức ảnh hưởng cho các bài viết của mình.
PGS.TS. Phạm Văn Việt cung cấp nhiều bí quyết để xuất bản bài báo khoa học hiệu quả
Băn khoăn tiếp theo của nhiều nhà nghiên cứu khi gửi bài viết cho một tạp chí là khả năng bị từ chối (reject). Khi đăng tải trên tạp chí khoa học quốc tế, tiếng Anh đối với nhiều giảng viên không chỉ là rào cản ngôn ngữ thuần túy mà còn có khả năng gặp nhiều hạn chế vì tính hàn lâm. Chính vì thế, tại buổi tập huấn, một số lỗi điển hình như các thuật ngữ pháp lý, cấu trúc câu, hình thức diễn đạt… cũng được thầy diễn giải, phân tích một cách kỹ lưỡng.
Việc trích dẫn trực tiếp bài viết của tác giả khác có trích nguồn cũng được PGS.TS. Phạm Văn Việt chú trọng đề cập. Khi viết báo cáo, người thực hiện nghiên cứu cần chú ý hạn chế tỷ lệ trùng lặp theo quy định. Nếu tổng tỷ lệ trùng lặp ở mức cao, bài viết sẽ không được công nhận là đạt yêu cầu, dẫn đến tỉ lệ từ chối tại các tạp chí lớn là rất cao.
Buổi tập huấn thứ 2 tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều cán bộ, giảng viên Nhà trường
Trong thời đại 4.0, việc ứng dụng tốt các công cụ kỹ thuật hiện đại sẽ góp phần giúp quá trình NCKH trở nên dễ dàng hơn. Tại buổi workshop, với sự hỗ trợ của TS. Ngô Minh Hải, giảng viên cũng được tiếp cận với 3 công cụ AI được xem là “cánh tay đắc lực” cho quá trình nghiên cứu: Chat GPT, Google Bard và Microsoft Bing. Theo thầy Hải, mỗi công cụ đều có những đặc điểm khác nhau. Việc lựa chọn, phối hợp thế nào để có thể tối đa hóa lợi ích của những tiện ích này trong quá trình nghiên cứu là điều mà mỗi nghiên cứu sinh cần tìm hiểu kỹ lưỡng.
Không chỉ trau dồi kiến thức nền tảng, các thầy cô Nhà UEF đã được trực tiếp thực hành về sử dụng các kỹ thuật hiện đại để tìm kiếm đề tài, lên bố cục, cụ thể hóa ý tưởng thành văn bản. Từ đó, nhiều khó khăn đã được giải quyết và tốc độ nghiên cứu được cải thiện đáng kể.
GS.TS. Ngô Cao Cường nhấn mạnh tầm quan trọng của các buổi tập huấn chuyên môn dành cho cán bộ, giảng viên UEF
Tại buổi tập huấn, PGS.TS. Ngô Cao Cường cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các buổi tập huấn chuyên môn đối với phong trào NCKH ở giảng viên. Thầy cho biết: “Hiện tại các Khoa đang phát triển “văn hóa” nghiên cứu một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên để có những bước tiến cao hơn, chúng ta cần không ngừng đổi mới bản thân, cập nhật kiến thức để bắt kịp với thời đại mới. Thông qua sự dẫn dắt của các thầy cô giàu chuyên môn, kinh nghiệm, tập thể cán bộ, giảng viên UEF sẽ có những bước đi thật vững chắc và phát triển trong việc viết các bài báo cáo khoa học chất lượng".
Kết thúc 2 ngày tập huấn, các cán bộ, giảng viên Nhà UEF đã thu hoạch được rất nhiều kiến thức bổ ích về lĩnh vực NCKH. Hy vọng đây sẽ là động lực để các thầy cô tiếp tục hoàn thiện các bài viết khoa học chất lượng, đồng thời đẩy mạnh phong trào NCKH của Nhà trường.